Chính sách giáo dục mới: Miễn học phí cho học sinh là xu hướng tất yếu, nâng tầm chất lượng giáo dục

Miễn học phí cho học sinh: Xu hướng tất yếu, nâng tầm chất lượng giáo dục

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thúc đẩy chính sách miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ bậc mầm non đến trung học phổ thông công lập trên cả nước. Hiện tại, đã có 10 tỉnh, thành phố gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Yên Bái, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Long An ban hành nghị quyết miễn học phí từ năm học 2024 - 2025. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương chưa áp dụng chính sách này, khiến không ít gia đình phải tiếp tục gánh nặng chi phí giáo dục.

Căn cứ theo các nghị quyết và kết luận của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng về đổi mới và nâng cao chất lượng chính sách xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất mở rộng diện miễn học phí nhằm đảm bảo công bằng trong giáo dục, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau. Theo lộ trình, từ ngày 1/9/2025, học sinh từ mầm non 5 tuổi đến hết trung học cơ sở (lớp 9) sẽ được miễn học phí hoàn toàn. Ngoài ra, nhiều đối tượng học sinh thuộc diện khó khăn, chính sách, học sinh dân tộc thiểu số cũng được hưởng chính sách giảm từ 50% đến 70% học phí hoặc hỗ trợ chi phí học tập, áp dụng cho cả trường công lập và ngoài công lập.

Bộ Chính trị cũng đã đồng ý mở rộng chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non từ 3 tháng đến 4 tuổi và toàn bộ học sinh phổ thông, giúp tất cả học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông công lập đều được học miễn phí. Đối với học sinh trường dân lập, tư thục, Nhà nước sẽ cấp bù phần học phí tương đương với mức quy định tại trường công lập, phần chênh lệch sẽ do gia đình chi trả.

Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 23,2 triệu học sinh (không bao gồm học sinh tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên), trong đó 3,1 triệu trẻ mầm non dưới 5 tuổi, 8,9 triệu học sinh tiểu học, 6,5 triệu học sinh trung học cơ sở và 3 triệu học sinh trung học phổ thông.

Dựa trên mức học phí tối thiểu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và Nghị định số 97/2023/NĐ-CP, Bộ Giáo dục và Đào tạo ước tính ngân sách Nhà nước cần khoảng 30 nghìn tỷ đồng mỗi năm để thực hiện chính sách này. Tuy nhiên, con số thực tế có thể thay đổi tùy theo mức học phí do từng tỉnh, thành phố quyết định trong khuôn khổ quy định của Chính phủ.

Việc mở rộng chính sách miễn học phí nhận được sự đồng thuận cao của xã hội nhưng cũng đặt ra thách thức lớn về cân đối ngân sách Nhà nước. Một số ý kiến lo ngại rằng miễn học phí bậc trung học phổ thông có thể ảnh hưởng đến định hướng phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, khi lựa chọn giữa học tiếp trung học phổ thông hay chuyển sang học nghề.

Dù vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, chính sách này sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo công bằng trong tiếp cận tri thức, phù hợp với xu thế chung của các nước phát triển và thể hiện tính ưu việt của hệ thống giáo dục Việt Nam.