Những điều cần lưu ý khi khởi kiện về thừa kế

NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI KHỞI KIỆN VỀ THỪA KẾ

1. Khởi kiện về thừa kế là gì? Các trường hợp khởi kiện về thừa kế thường gặp?

          Khởi kiện về thừa kế là việc thực hiện các thủ tục để yêu cầu Tòa án phân chia di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật.

Các trường hợp khởi kiện về thừa kế thường gặp có thể kể đến như sau:

  • Khởi kiện khi tranh chấp về hàng thừa kế, tranh chấp giữa những người thừa kế cùng hàng thừa kế hoặc giữa những người thuộc các hàng thừa kế khác nhau.
  • Khởi kiện khi tranh chấp việc phân chia di sản thừa kế.
  • Khởi kiện khi tranh chấp về di sản thừa kế, tranh chấp liên quan đến số lượng, giá trị của di sản.
  • Khởi kiện khi tranh chấp việc xác định chủ thể thực hiện nghĩa vụ của người để lại di sản.

2. Chủ thể có quyền khởi kiện về thừa kế

          Khi xảy ra tranh chấp về di sản thừa kế thì cá nhân, tổ chức có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết theo trình tự Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm trong tranh chấp liên quan đến thừa kế. Thông thường sẽ là người thuộc hàng thừa kế của người để lại di sản thừa kế.

3. Thời hiệu khởi kiện về thừa kế

Theo quy định tại Điều 184 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 và Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 thì thời hiệu khởi kiện về thừa kế được quy định như sau:

  • Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. 
  • Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
  • Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Như vậy, tùy từng mục đích khởi kiện về thừa kế mà có thời hiệu khởi kiện tương ứng.

4. Thẩm quyền giải quyết khởi kiện về thừa kế

          Theo quy định tại Điều 35 và Điều 37 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tranh chấp dân sự về thừa kế; trường hợp đặc biệt những tranh chấp về thừa kế mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

          Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 37 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại Điều 35 của Bộ luật này mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện.

          Như vậy, cơ quan giải quyết khởi kiện về thừa kế chính là Tòa án. Tùy vào từng trường hợp mà thẩm quyền giải quyết cụ thể sẽ là Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc Tòa án nhân dân cấp tỉnh

5. Hồ sơ khởi kiện về thừa kế bao gồm những gì?

- Đơn khởi kiện;

- Các giấy tờ về quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại tài sản: Giấy khai sinh, Chứng minh thư nhân dân, để xác định diện và hàng thừa kế;

 - Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế;

- Bản kê khai di sản;

- Các giấy tờ, tài liệu chứng minh sở hữu của người để lại di sản và nguồn gốc di sản của người để lại di sản;

- Các giấy tờ khác nếu có: Di chúc, biên bản giải quyết trong họ tộc, biên bản giải quyết tại UBND xã, phường, thị trấn, tờ khai từ chối nhận di sản….